Vietstock Daily 06/06: Lack of control mechanisms –meaning ESOP stock could be abused

Phạm Tam
Phạm Tam
Institute of International Finance Education - Academy of Finance

Phát hành cổ phiếu ESOP (Employee Stock Ownership Plan) đang trở thành một lựa chọn mang tính phổ biến của các công ty đại chúng trong chiến lược nhân sự. Tuy nhiên, cổ phiếu ESOP cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro về xung đột lợi ích và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của cổ đông nếu như không có cơ chế kiểm soát phù hợp.

Cổ phiếu ESOP có đang bị lạm dụng?

Cổ phiếu ESOP luôn được biết đến như một công cụ mang tính chiến lược về nhân sự để giữ chân nhân tài, tạo động lực gắn bó và cống hiến của người lao động (NLĐ) tại các công ty đại chúng. Về mặt lý thuyết, lợi ích của ESOP là điều khó ai có thể phủ nhận được. Tuy vậy, cổ phiếu ESOP cũng có thể biến thành một chiêu trò để “móc túi” cổ đông và người được hưởng lợi thường là người quản lý, điều hành công ty.

Hiện đã xuất hiện các dấu hiệu của hành vi lợi dụng việc phát hành cổ phiếu ESOP để hưởng lợi và người bị ảnh hưởng trực tiếp là các cổ đông hiện hữu. Qua quan sát, chúng tôi nhận thấy có một số công ty liên tục phát hành cổ phiếu ESOP vào mỗi năm, đến mức cổ đông trực tiếp đã lên tiếng phản đối tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông. Bởi, tính minh bạch trong phương án phát hành cổ phiếu ESOP vẫn là một dấu hỏi lớn.

Thông thường, danh sách NLĐ cũng như các tiêu chí lựa chọn đối tượng thụ hưởng lợi ích từ cổ phiếu ESOP không được trình bày trực tiếp với cổ đông, mà thông qua phương thức ủy quyền toàn bộ cho hội đồng quản trị (HĐQT) quyết định. Hệ quả là cổ phiếu đến tay NLĐ thì không bao nhiêu nhưng tỷ lệ dành cho thành viên HĐQT hay ban giám đốc thì lại chiếm đa số. Bằng những thao tác tìm kiếm đơn giản, có thể dễ dàng tìm thấy các trường hợp mà chủ tịch hội đồng quản trị hay tổng giám đốc đăng ký mua cổ phiếu ESOP với tỷ lệ đến gần 50% trong một đợt phát hành.

Thêm vào đó, mức chiết khấu của cổ phiếu ESOP thường rất cao, có trường hợp chỉ bằng một phần ba hay một phần tư giá trị thị trường. Vì vậy, người mua cổ phiếu ESOP với tỷ lệ lớn ngay lập tức có thể hưởng lợi ích từ ESOP lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm tỉ đồng. Điều đáng nói là việc đo lường tính hiệu quả của cổ phiếu ESOP đối với sự phát triển của các công ty và lợi ích của cổ đông vẫn đang là vấn đề còn bỏ ngỏ.

Cơ chế nào kiểm soát việc lạm dụng cổ phiếu ESOP?

Bằng những thao tác tìm kiếm đơn giản, có thể dễ dàng tìm thấy các trường hợp mà chủ tịch hội đồng quản trị hay tổng giám đốc đăng ký mua cổ phiếu ESOP với tỷ lệ đến gần 50% trong một đợt phát hành.

Tại Việt Nam, cơ chế kiểm soát hoạt động phát hành cổ phiếu ESOP được quy định tại Nghị định 155/2020/NĐ-CP, tập trung vào một số khía cạnh: (i) sự đồng ý của đại hội đồng cổ đông về phương án phát hành; (ii) tiêu chuẩn và danh sách NLĐ được tham gia chương trình, nguyên tắc xác định số cổ phiếu được phân phối cho từng đối tượng và thời gian thực hiện được đại hội đồng cổ đông thông qua hoặc ủy quyền cho HĐQT thông qua; (iii) khống chế tỷ lệ cổ phiếu phát hành theo chương trình trong mỗi 12 tháng không được vượt quá 5% số cổ phiếu đang lưu hành của công ty; (iv) thời gian hạn chế chuyển nhượng tối thiểu một năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành.

Chúng tôi cho rằng cơ chế kiểm soát theo quy định pháp luật hiện hành khá đơn giản, chưa bao quát được các vấn đề đang xảy ra trong thực tiễn. Trong khi đó, tại các nước, hoạt động phát hành cổ phiếu ESOP được giám sát nghiêm ngặt hơn để kiểm soát nguy cơ xung đột lợi ích giữa các chủ thể có liên quan.

Đầu tiên, pháp luật phải thiết lập được cơ chế kiểm soát quyền lực và “lòng tham” của người quản lý, điều hành. Về nguyên tắc, việc xác định tiêu chuẩn để xét duyệt NLĐ được thụ hưởng lợi ích từ ESOP là quyền tự chủ của mỗi công ty, pháp luật không nên can thiệp. Tuy nhiên, Nhà nước có thể ra văn bản hướng dẫn ghi nhận những yếu tố cơ bản nhất để các công ty tham khảo và đồng thời phải quy định các các đối tượng đặc biệt không được hoặc hạn chế tiếp cận cổ phiếu ESOP.

Theo đó, các chức danh như chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc, trưởng ban kiểm soát, các chức vụ cấp bậc tương đương sẽ không được tham gia vào đợt phát hành cổ phiếu ESOP (quy định của Trung Quốc) hoặc bị giới hạn tỷ lệ cổ phiếu được mua (quy định của Singapore). Theo quy định của Singapore, tổng số cổ phiếu những đối tượng trên được phép mua bị hạn chế ở mức 50% tổng số cổ phiếu ESOP và 25% với mỗi người. Bên cạnh đó, tại Trung Quốc, các cổ đông nắm giữ từ 5% cổ phần trở lên và người thân thích của họ cũng không được phép mua cổ phiếu ESOP.

Tại Singapore việc xây dựng một ủy ban chuyên quản lý ESOP cũng là một truyền thống thường thấy. Hầu như không có điều khoản pháp lý nào quy định về việc thành lập ủy ban ESOP, tuy nhiên hầu hết các công ty lớn tại các quốc gia trên đều có bộ phận này.

Ủy ban quản lý ESOP thường được thành lập bởi đại hội đồng cổ đông, gồm một nhóm nhỏ thành viên từ các bộ phận khác nhau để có thể đánh giá công bằng những NLĐ tham gia ESOP, họ thường được hưởng một chế độ lương thưởng riêng và không tham gia ESOP để đảm bảo tính khách quan. Ủy ban này sẽ là người trực tiếp xây dựng các tiêu chí đánh giá NLĐ, lập danh sách và xác định số cổ phiếu cho từng đối tượng, chịu trách nhiệm giải trình kết quả thực hiện ESOP của các năm trước, giải thích lý do cho các trường hợp cung cấp ESOP đặc biệt.

Tiếp theo, để cổ phiếu ESOP có thể được phân bổ đến đông đảo NLĐ, pháp luật một số nước quy định giới hạn tỷ lệ mua cổ phiếu ESOP đối với mỗi NLĐ. Tại Hồng Kông, cổ phiếu ESOP trong mỗi đợt phát hành mà mỗi cá nhân được nhận không được quá 1% số lượng cổ phiếu cùng loại đang lưu hành, đối với các trường hợp đặc biệt (trên 1%) phải được thông qua bởi nghị quyết của đại hội đồng cổ đông. Việc giới hạn như vậy phần nào giảm bớt xung đột lợi ích giữa các cổ đông hiện hữu và những NLĐ sắp trở thành cổ đông.

Bên cạnh đó, không thể bỏ qua việc đánh giá tác động và bảo vệ quyền lợi của cổ đông hiện hữu. Hai khía cạnh mà các cổ đông thường quan tâm là tỷ lệ pha loãng cổ phiếu và mức độ tác động đến giá cổ phiếu trên thị trường sau mỗi đợt phát hành cổ phiếu ESOP.

Tại Thái Lan, để thông qua phương án phát hành ESOP trong trường hợp tạo nên hiệu ứng pha loãng cao, cần sự chấp thuận của ít nhất ba phần tư tổng số quyền biểu quyết của cổ đông tham dự cuộc họp và tỷ lệ cổ đông phản đối ít hơn 5% tổng số quyền biểu quyết của cổ đông tham dự cuộc họp. Trong trường hợp này, sự chấp thuận của các cổ đông chính là sự thỏa hiệp về việc giảm các lợi ích của bản thân mình để phát triển lợi ích lâu dài của công ty, do đó sẽ không xảy ra sự xung đột lợi ích giữa các bên.

Giá trị lợi ích tính trên mỗi cổ phiếu ESOP và thời gian hạn chế chuyển nhượng đối với loại cổ phiếu này cũng cần được kiểm soát. Mục tiêu chính của cổ phiếu ESOP là thúc đẩy nhân viên làm việc và gắn bó với công ty, nếu giá chào bán quá thấp so với giá thị trường thì ngay thời điểm nhận cổ phiếu, nhân viên đã được hưởng một khoản lợi ích rất lớn dù có thể sau đó không cố gắng quá nhiều.

Điều này có thể dẫn đến nguy cơ bán phá giá trên thị trường và tác động tiêu cực đến giá cổ phiếu. Do vậy, cần có sự giới hạn mức lợi ích tối đa mà NLĐ được hưởng để tránh tình trạng này. Tham khảo kinh nghiệm các nước cho thấy, pháp luật có thể quy định tỷ lệ chiết khấu tối đa mà NLĐ được hưởng, thường ở mức từ 20-50%.

Pháp luật Việt Nam hiện hành quy định thời hạn hạn chế chuyển nhượng đối với cổ phiếu ESOP là một năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành. Tại Singapore và Trung Quốc, NLĐ phải mất ít nhất hai năm để bán lượng ESOP đã mua trong một đợt.

Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp đều phát hành ESOP theo định kỳ hàng năm. Tuy nhiên, việc phát hành liên tục trong những khoảng thời gian ngắn như vậy có thể khiến tốc độ tăng trưởng doanh nghiệp không theo kịp tốc độ pha loãng, dẫn đến sự suy giảm lợi nhuận tính trên mỗi cổ phiếu. Do vậy, thay vì phát hành ESOP từng năm, các doanh nghiệp cần xem xét điều kiện về tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp, chỉ khi tác động tích cực của ESOP vượt trên tác động pha loãng thì khi đó mới nên phát hành đợt ESOP mới.

(Phạm Tam, theo Lưu Minh Sang – Phạm Ngọc Nhất Phương, TBKTSG)

Share on email
Email
Share on twitter
Twitter
Share on print
Print