IFRS – New but not familiar to DDP students

DMMC
DMMC
Institute of International Finance Education - Academy of Finance

  1. Giải mã IFRS

IFRS (International Financial Reporting Standards) được gọi là các chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế gồm các chuẩn mực kế toán được ban hành bởi Hội đồng chuẩn mực kế toán quốc tế (International Accounting Standards Board – IASB) với mục tiêu đặt ra các quy tắc chung để báo cáo tài chính có thể thống nhất, minh bạch và có thể so sánh trên toàn thế giới.

IFRS xác định cách các công ty duy trì và báo cáo tài khoản của họ, xác định các loại giao dịch và sự kiện khác có tác động tài chính. Các chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) được thành lập để tạo ra ngôn ngữ kế toán chung, để các doanh nghiệp và báo cáo tài chính của họ có thể thống nhất và đáng tin cậy từ công ty này sang công ty khác, quốc gia này sang quốc gia khác.

  1. Tầm quan trọng của IFRS

Trong bối cảnh kinh doanh toàn cầu, kế toán được xem như là một ngôn ngữ chung thì việc áp dụng IFRS sẽ giúp các cơ quan quản lý Nhà nước, chủ sở hữu, nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài có công cụ để đánh giá và so sánh thông tin tài chính giữa các đơn vị theo cùng một ngôn ngữ, chuẩn mực chung để đưa ra các quyết định kinh tế một cách phù hợp.  Các chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế – IFRS có tầm quan trọng to lớn trong thời kỳ hội nhập và phát triển kinh tế sâu rộng.

Việc áp dụng IFRS sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp đủ điều kiện niêm yết trên thị trường quốc tế hoặc nhận được các khoản vay ưu đãi từ các định chế tài chính quốc tế như WB, IMF, ADB… Các doanh nghiệp FDI là công ty con của các tập đoàn xuyên quốc gia sẽ không còn phải mất thêm chi phí để chuyển đổi BCTC sang IFRS cho mục đích hợp nhất BCTC với công ty mẹ ở nước ngoài.

Không những vậy, áp dụng IFRS sẽ tạo dựng khuôn khổ pháp lý cho việc kế toán nhiều loại công cụ tài chính, tài sản và nợ phải trả theo giá trị hợp lý. IFRS sẽ nâng cao tính minh bạch và trung thực của báo cáo tài chính, giúp bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư do IFRS yêu cầu các khoản mục của BCTC phải được ghi nhận và trình bày theo bản chất hơn là hình thức hay tên gọi của giao dịch, vì vậy sẽ giảm thiểu tác động của hình thức giao dịch đến phương pháp kế toán, từ đó làm tăng khả năng so sánh giữa BCTC của doanh nghiệp tại Việt Nam với các doanh nghiệp khác trong khu vực và thế giới.

IFRS yêu cầu trình bày và thuyết minh chi tiết về những rủi ro mà doanh nghiệp có thể gặp phải như rủi ro kinh doanh, rủi ro tín dụng, rủi ro chính sách… Do vậy, IFRS sẽ cung cấp thông tin đầy đủ hơn cho các nhà đầu tư, chủ nợ khi quyết định đầu tư vào doanh nghiệp.

  1. Bối cảnh Việt Nam khi áp dụng VAS

Trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến 2005, Việt Nam đã ban hành 26 Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) bằng cách vận dụng có chọn lọc các quy định của chuẩn mực quốc tế phù hợp với điều kiện nền kinh tế và trình độ quản lý trong nước.

Tuy nhiên, do đã được ban hành cách đây hơn 10 năm mà chưa được sửa đổi, bổ sung nên VAS ngày càng bộc lộ nhiều hạn chế, một số nội dung chưa phù hợp với các giao dịch của kinh tế thị trường trong giai đoạn mới, nhất là trong bối cảnh thị trường vốn phát triển mạnh mẽ, xuất hiện nhiều loại công cụ tài chính phức tạp.

Do Việt Nam chỉ mới ban hành được 26 chuẩn mực cho Việt Nam (VAS) nên còn thiếu khá nhiều chuẩn mực theo thông lệ quốc tế như các chuẩn mực về nông nghiệp, về thăm dò và khai thác tài nguyên khoáng sản, về nhóm công cụ tài chính phái sinh, về giá trị hợp lý, về tổn thất tài sản… Do vậy, khi các doanh nghiệp có phát sinh các giao dịch kinh tế thuộc nhóm các chuẩn mực này thì chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện hạch toán dẫn đến khó khăn cho công tác kế toán của doanh nghiệp.

  1. Thay đổi của Việt Nam trong lộ trình áp dụng IFRS

Theo Bộ Tài chính, việc ban hành các chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế mới (IFRS) thay thế các chuẩn mức VAS sẽ được tiến hành theo lộ trình 3 bước bắt đầu từ 2020 và từ sau 2025, IFRS sẽ phải được áp dụng bắt buộc đối với mọi doanh nghiệp tại Việt Nam.

Lộ trình áp dụng 3 giai đoạn:

  • Giai đoạn chuẩn bị: từ năm 2020 đến năm 2021
  • Giai đoạn áp dụng tự nguyện: từ năm 2022 đến hết năm 2025
  • Giai đoạn bắt buộc áp dụng: từ sau năm 2025

Mục tiêu triển khai áp dụng IFRS rất cụ thể là: Xây dựng phương án, lộ trình và công bố, hỗ trợ áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) cho từng nhóm đối tượng cụ thể tại Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế nhằm mục đích nâng cao tính minh bạch, trung thực của báo cáo tài chính, nâng cao trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp đối với người sử dụng báo cáo tài chính.

Đối tượng áp dụng trước hết là các doanh nghiệp có nhu cầu, đủ khả năng và nguồn lực áp dụng IFRS, được xác định theo từng giai đoạn phù hợp với lộ trình được công bố và các doanh nghiệp khác thuộc mọi lĩnh vực, thành phần kinh tế hoạt động tại Việt Nam áp dụng VFRS. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo, hội nghề nghiệp và đơn vị cung cấp dịch vụ như các đơn vị có các hoạt động phối hợp nghiên cứu, đào tạo, cung cấp dịch vụ và hỗ trợ triển khai áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) và chuẩn mực báo cáo tài chính Việt Nam (VFRS) cũng được đặc biệt chú trọng nhằm giúp quá trình triển khai áp dụng IFRS ở Việt Nam được bền vững.

Tuy nhiên, để có thể áp dụng được IFRS các doanh nghiệp phải đối đầu với nhiều thách thức và doanh nghiệp cần phải quản trị tốt các tác động tiêu cực tiềm ẩn phát sinh từ các thách thức như:

  • Sự thiếu hụt nguồn nhân lực đủ năng lực có thể sẵn sàng giúp doanh nghiệp triển khai IFRS;
  • Lãnh đạo doanh nghiệp thiếu thông tin về các tác động đối với báo cáo tài chính khi chuyển từ chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) sang IFRS;
  • Hệ thống thông tin tài chính hiện tại không đáp ứng được yêu cầu để tính toán khác biệt, dẫn đến ý kiến kiểm toán có thể bị ngoại trừ;
  • Quy trình nội bộ không còn phù hợp trong khu quy trình mới chưa kịp làm quen;
  • Các bên có quyền lợi liên quan có các mục tiêu và kỳ vọng khác nhau có thể dẫn đến mâu thuẫn khi triển khai IFRS.
  1. Thuận lợi nào với sinh viên DDP?

Sinh viên DDP được tiếp cận với Chuẩn mực kế toán Quốc tế (IFRS) ngay khi bắt đầu học môn chuyên ngành kế toán đầu tiên là Financial Accouting 1. Các chuẩn mực kế toán IRS vẫn luôn theo sát các DDPers trong suốt quá trình học. Điều đó đồng nghĩa với việc sinh viên DDP đã được tiếp cận IFRS trước, có nhiều  thuận lợi hơn trong công việc khi ra trường và không còn bỡ ngỡ trước sự thay đổi của Chuẩn mực kế toán mới của Việt Nam.

Sinh viên DDP còn được học chuyên ngành kế toán kiểm toán bằng tiếng Anh, chương trình đào tạo DDP đã xây dựng nền tảng tiếng Anh chuyên ngành vững chắc, chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo chuyên sâu vềtài chính  và  kế toán. Đó chính là những yếu tố quan trọng để sinh viên phát triển và thăng tiến trên con đường sự nghiệp của mình.

DMMC – Institute of International Finance Education

Share on email
Email
Share on twitter
Twitter
Share on print
Print