Đường cong Laffer và lý thuyết về mối quan hệ giữa thuế suất với số thu ngân sách từ thuế của chính phủ

admin
admin
Nguyên Viện trưởng Viện đào tạo quốc tế - Học viện Tài Chính

1       Đường cong Laffer

Năm 1974, tại một bữa tiệc chiêu đãi ở Nhà Trắng, khi trình bày ý tưởng về mối quan hệ giữa thuế suất và số thu ngân sách của chính phủ từ thuế, Arthur Betz Laffer, 34 tuổi, Giảng viên trường Kinh doanh Marshall (Marshall School of Business) thuộc trường Đại học Nam California (University of Southern California) đã vẽ đồ thị một đường cong để minh họa cho quan điểm của mình về thuế suất tối ưu.

Nhờ cách hùng biện và sự chắc chắn trong lập luận về tương quan giữa thuế suất và số thu từ thuế mà thuyết trình của ông đã rất thu hút người nghe và đồ thị về đường cong này đã có một tiếng vang vô cùng rộng lớn, đặt nền tảng cho sự phát triển của lý thuyết về quan hệ giữa thuế suất và số thu ngân sách của Chính phủ. Tầm ảnh hưởng và sự nổi tiếng của nó lớn đến mức không một nhà nghiên cứu về thuế nào trên thế giới không biết đến đường cong Laffer. Đường cong Laffer đã trở thành hình ảnh đại diện cho lý thuyết về mối quan hệ giữa thuế suất và số thu từ thuế của chính phủ.

Ở mức thuế suất 0% hoặc 100% thì số thu từ thuế bằng 0. Với thuế suất hiện hành là t (%), chính phủ có số thu từ thuế là R. Nếu chính phủ giảm thuế suất xuống còn t* (%) thì số thu thuế sẽ ở mức tối ưu là R* lớn hơn so với R (R* > R). Do vậy, theo Laffer, đồ thị hàm số của số thu từ thuế của chính phủ có dạng chữ U ngược.

Theo lý thuyết này, người sản xuất và người tiêu dùng sẽ phản ứng nhanh nhạy với mức thuế mà chính phủ đưa ra. Khi chính phủ ban hành các mức thuế suất khác nhau thì người sản xuất hoặc người tiêu dùng sẽ có ít hoặc nhiều động lực hơn để làm việc và sản xuất kinh doanh.

Thuế suất thấp tạo ra khả năng mở rộng lợi nhuận biên cho doanh nghiệp, điều đó thúc đẩy doanh nghiệp tăng sản lượng dẫn đến tăng cung cho nền kinh tế.

Thuế suất thấp cũng tạo cơ hội giảm giá bán hàng hóa, dịch vụ. Điều đó thúc đẩy người tiêu dùng mua sắm nhiều hơn dẫn đến tăng cầu cho nền kinh tế.

Cung tăng, cầu tăng đều mở rộng cơ sở thuế nên kết quả là tổng thu ngân sách từ thuế sẽ tăng hơn trước. Chí ít cũng bù đắp đủ được số hụt thu trực tiếp trong ngắn hạn do giảm thuế suất.

Đường cong Laffer là đồ thị thể hiện mối quan hệ hữu cơ giữa thuế suất (%) và số thu từ thuế của chính phủ. Với cách quan sát các điều chỉnh nền kinh tế từ phía cung, lý thuyết này đã làm cho góc nhìn về nền kinh tế một cách toàn diện hơn, sinh động hơn giúp những người ra quyết định có những luận cứ, minh chứng xác đáng hơn. Đây là một loại lý thuyết mới, mở đầu cho trường phái “trọng cung” đối lập với trường phái “trọng cầu” (sử dụng các chính sách tiền tệ, ví dụ như điều chỉnh lãi suất).

2       Đường cong Laffer nợ

Đường cong Laffer nợ là một thuật ngữ mới xuất hiện gần đây. Đường cong Laffer nợ sử dụng hình ảnh đồ thị đường cong Laffer nguyên gốc để mô phỏng một lý thuyết nghiên cứu về nợ – Lý thuyết “debt overhang”.

Năm 1989, Jeffrey Sachs đã phát triển lý thuyết “debt overhang” khi nghiên cứu về nợ của các nước đang phát triển. Vay nợ là cần thiết để tạo thêm nguồn lực cho tăng trưởng nhưng một đất nước vay nợ quá nhiều thì có tốt cho tăng trưởng kinh tế hay không? Lý thuyết “debt overhang” chỉ ra rằng tồn tại một giới hạn nợ mà trước giới hạn đó, mỗi một khoản vay tăng thêm sẽ có những tác động tích cực đến nền kinh tế nhưng sau giới hạn đó, mỗi khoản vay tăng thêm lại tạo thêm những tác động tiêu cực đối với khả năng trả nợ cũng như tăng trưởng kinh tế. Sachs đã vận dụng đường cong Laffer để hình họa ý tưởng này. Việc đồ thị hóa quan hệ giữa số dư nợ và khả năng trả nợ của một quốc gia là một ý tưởng khá hay cho phép dễ dàng nhận thấy rằng một đất nước vay nợ quá nhiều sẽ phải gánh chịu gánh nặng về dịch vụ nợ quá cao. Mức nợ quá cao thì khả năng trả nợ sẽ giảm.

Cũng năm đó (1989), Krugman (giải Nobel kinh tế năm 2008) đã thảo luận về khả năng thiết lập lộ trình giảm nợ trên cơ sở thị trường và đưa ra một khung khổ chính thức cho lý thuyết của Sachs.

Krugman chỉ rõ rằng khi một đất nước rơi vào trình trạng nợ quá cao là khi các nghĩa vụ nợ đã vượt quá số tiền có thể chi trả, lúc đó, các nghĩa vụ nợ phải thanh toán giống như một thứ thuế suất biên cao. Nếu điều đó cứ tiếp diễn thì đa phần lợi nhuận mới sản sinh trong nước sẽ chảy vào túi các chủ nợ thay vì được chia sẻ giữa chính phủ (thuế) và các chủ doanh nghiệp (lợi tức). Chính điều này làm các nhà đầu tư lo ngại và không muốn tiếp tục bỏ tiền ra đầu tư. Đầu tư giảm sẽ không thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nợ quá cao sẽ có nguy cơ làm giảm tăng trưởng kinh tế.

Trên đồ thị, khi sử dụng giá trị trục tung là “tăng trưởng kinh tế” thay cho “khả năng trả nợ” thì sẽ thấy được sự tác động của những mức vay nợ nhất định (nhất là nợ nước ngoài) đến tăng trưởng kinh tế.

Đường cong Laffer nợ

Sau này, các nghiên cứu của Stijn Claessens (1990, WB), Catherine Pattillo, Poirson and Luca Ricci (2002, IMF), Pierre-Richard Agénor (University of Manchester, UK) và Joshua Aizenman (University of California, USA) năm 2005 và Elena S. Bachvarova (2008, Duke University) đều có các kết quả thực chứng khẳng định các luận điểm trên đây. Xem thêm:

  • Paul Krugman, 1988. Financing vs. forgiving a debt overhang, Journal of Development Economics, Elsevier, vol. 29(3), pages 253-268, November.
  • Stijn Claessens, 1990. “The Debt Laffer Curve: Some estimates”, World Bank, World Development, Volume 18, Issue 12, December 1990, Pages 1671–1677.
  • Catherine Pattillo, Poirson and Luca Ricci, 2002. External Debt and Growth, Finance & Development, IMF, June 2002, Volume 39, Number 2.
  • Pierre-Richard Agénor (University of Manchester, UK) và Joshua Aizenman (University of California, USA), 2005. Financial Sector Inefficiencies and the Debt Laffer Curve, International Journal of Finance and Economics, 10:1-13 (2005). Published online in Wiley InterScience (www. interscience. wiley. com). DOI: 10. 1002/ijfe. 251.
  • Elena S. Bachvarova, 2008. “Debt Laffer Cuvre: Estimates for 1990-2005”, Honors Thesis, Duke University Durham, North Carolina.

Đường cong Laffer nợ phản ánh mối quan hệ giữa nợ, nhất là nợ nước ngoài, với khả năng trả nợ và tăng trưởng kinh tế của một quốc gia, đó là sản phẩm phái sinh của đường cong Laffer nguyên thủy phản ánh quan hệ giữa số thu từ thuế của chính phủ và thuế suất. Do vậy, rất có thể trong thời gian tới phải thêm chữ “thuế” vào thuật ngữ “đường cong Laffer” ban đầu để có thêm một cái tên “đường cong Laffer thuế” nhằm phân biệt với “đường cong Laffer nợ”.

3       Kết luận

Laffer là một trong số ít những nhà kinh tế học giỏi cả trong lý thuyết cũng như thực tiễn và có sự ảnh hưởng rất lớn đến đời sống kinh tế và các doanh nghiệp Mỹ. Lý thuyết của ông được các thành viên Đảng Cộng hòa (Mỹ) xác định là lối thoát duy nhất để nền kinh tế Mỹ thoát khỏi khủng hoảng kinh tế chứ không phải việc bơm quá nhiều tiền cứu các ngân hàng và tập đoàn lớn. Trên thực tế, không một đảng viên Đảng Cộng hòa nào tán thành kế hoạch giải cứu nền kinh tế Mỹ sau khủng hoảng 2008 với gói “giải cứu 825 tỷ USD” cho dù nó đã được Hạ viện Mỹ thông qua ngày 29/1/2009. Họ cho rằng, để giải cứu nền kinh tế Mỹ, nên cắt giảm thêm thuế suất và giá trị gói giải cứu chỉ nên ở mức 400 tỷ USD mà thôi.

Những đóng góp của Laffer cho kinh tế học và chính sách công là rất đáng chú ý. Trường phái kinh tế trọng cung ra đời đã đem lại sự đa dạng nhiều màu sắc cho kinh tế học hiện đại và đóng góp một góc nhìn đặc biệt từ phía cung khi nghiên cứu các vấn đề kinh tế. Những đề xuất chính phủ điều tiết nền kinh tế bằng các sắc thuế bên cạnh các điều chỉnh bằng chính sách tiền tệ, lãi suất đã cho thấy những tác động không nhỏ của “bàn tay hữu hình” trong điều tiết vĩ mô nền kinh tế.

Lý thuyết về mối quan hệ giữa thuế suất với số thu ngân sách của chính phủ có sự liên kết logic với luận điểm của Jean-Baptiste Colbert, Bộ trưởng Tài chính Pháp thế kỷ XVII, về nghệ thuật đánh thuế khi Colbert cho rằng “nghệ thuật đánh thuế được ví như việc nhổ lông ngỗng, làm thế nào để nhổ được nhiều lông nhất mà mất ít sức lực nhất”. Nói cách khác, làm thế nào có được số thu từ thuế lớn nhất với các chi phí kinh tế và chính trị nhỏ nhất.

Cho dù rằng việc xác định chính xác mức thuế tối ưu của nền kinh tế luôn là một câu hỏi lớn cho bất kỳ nhà kinh tế hoặc bất kỳ người hoạch định chính sách nào nhưng đó lại chính là sự hấp dẫn của trường phái trọng cung Mỹ. Chúng tôi cho rằng các mức thuế suất thấp sẽ mở rộng cơ sở thuế, từ đó, cho phép chính phủ tăng thu ngân sách từ thuế trong khi phải chịu ít xung đột hơn.

4       Tài liệu tham khảo

Laffer, 2004. The Laffer Curve: past, present, and future, American Heritage, Hoa Kỳ.

Laffer, Stephen Moore, Peter Tanous, 2009. The End of Prosperity: How Higher Taxes Will Doom the Economy: If We Let It Happen, Threshold Editions.

Nguyễn Công Nghiệp, Bùi Đường Nghiêu, Nguyễn Hoàng Hà, 2014. 100 Nhà kinh tế nổi tiếng, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia – Sự Thật, Hà Nội.

Pierre-Richard Agénor (University of Manchester, UK) và Joshua Aizenman (University of California, USA), 2005. Financial Sector Inefficiencies and the Debt Laffer Curve, International Journal of Finance and Economics, 10:1-13 (2005). Published online in Wiley InterScience (www. interscience. wiley. com). DOI: 10. 1002/ijfe. 251.

Stijn Claessens, 1990. “The Debt Laffer Curve: Some estimates”, World Bank, World Development, Volume 18, Issue 12, December 1990, Pages 1671–1677.

Laffer - Cuộc đời và sự nghiệp

Arthur Betz Laffer, sinh ngày 14 tháng 8 năm 1940 tại Youngstown, bang Ohio, Hoa Kỳ. Ông tốt nghiệp Cử nhân kinh tế loại ưu tại trường Đại học Yale danh tiếng vào năm 1962, và nhận bằng Thạc sĩ năm 1965, bằng Tiến sĩ năm 1971 tại Stanford danh tiếng trên thế giới.

Laffer là một đại diện xuất sắc của trường phái trọng cung nổi tiếng, thậm chí ông còn được coi là “cha đẻ của kinh tế học trọng cung” của Hoa Kỳ.

Laffer từng là cố vấn chính sách kinh tế cho Tổng thống Ronald Wilson Reagan trong suốt hai nhiệm kỳ liên tiếp (1981-1989), cố vấn cho Thư ký Cục Dự trữ liên bang William Simon, Thư ký Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Thư ký Cục Dự trữ liên bang George Shultz. Laffer là một nhà kinh tế rất có ảnh hưởng lớn tại Mỹ.

Ông là giảng viên của nhiều trường đại học của Hoa Kỳ, Giáo sư Charles B. Thornton của Đại học Nam Carolina, Giáo sư kinh tế xuất sắc từ năm 2008 của trường Đại học Mercer (bang Georgia). Ông sáng lập và là Giám đốc Hiệp hội Laffer chuyên về nghiên cứu kinh tế, đầu tư, chính sách công. Ông cũng là cộng tác viên rất tích cực của tạp chí Phố Wall (The Wall Street Journal).

Phát kiến về đường cong Laffer đã được coi là một “sự kiện đáng nhớ” trong lịch sử tài chính do Institutional Investor bình chọn trong dịp kỷ niệm Bạc tháng 7 năm 1992 với tiêu đề “Anh hùng, quỷ dữ, chiến thắng, thất bại và các sự kiện đáng nhớ”.

Laffer được Tạp chí Thời đại đánh giá là một trong “những bộ óc xuất sắc nhất thế kỷ” (ngày 29 tháng 3 năm 1999) do đã phát kiến ra đường cong Laffer và được mô tả là “một trong những bước tiến được thực hiện trong thế kỷ của nhiều sự đột biến”. Ông cũng được xếp trong danh sách “Mười hai người kiến tạo thập niên 1980” của tờ Thời báo Los Angeles đăng ngày 1 tháng 1 năm 1990 và có tên trong “Triển lãm những người vĩ đại nhất ảnh hưởng đến công việc kinh doanh hàng ngày của chúng ta” của Tạp chí Phố Wall ngày 23 tháng 6 năm 1989.

Thăng trầm của lý thuyết đường cong Laffer

Trên thực tế, mặc dù đường cong Laffer có tiếng vang lớn nhưng cũng đã có không ít những luận điểm trái chiều xuất hiện khi lý thuyết về mối quan hệ giữa thuế suất và số thu từ thuế ra đời. Những người phản đối cho rằng lý thuyết này chưa đúng về mặt giả định. Khi chính phủ đặt mức thuế suất 100% thì người dân vẫn có các hoạt động kinh tế và vì vậy chính phủ vẫn có số thu từ thuế. Những chỉ trích khác cho rằng lý thuyết này không đưa ra mức thuế suất tối ưu t* cụ thể là mức nào? Không chỉ ra mức thuế suất t hiện tại có phải đang cao hơn mức thuế suất tối ưu hay không?

Mặc dù có những ý kiến trái chiều nhưng viễn cảnh tốt đẹp về tăng thu ngân sách và tính khả thi của lý thuyết về mối quan hệ giữa thuế suất và số thu từ thuế đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều học giả và các nhà hoạch định chính sách. Đã có rất nhiều nước, nhất là Hoa Kỳ và Tây Âu, thậm chí cả các nước Đông Âu XHCN trước đây đã áp dụng lý thuyết này bằng việc ban hành các chính sách giảm thuế. Song kết quả đạt được cũng rất khác nhau tùy theo từng quốc gia. Ở Hoa Kỳ, thời gian đầu áp dụng các chính sách giảm thuế đã cho kết quả ngược lại – số thu từ thuế giảm chứ không tăng (giảm 3% ngay trong năm đầu tiên, 1981, thực hiện chính sách giảm thuế). Tuy nhiên, thành công ở các nước khác lại là những cổ vũ rất lớn cho lý thuyết về tương quan giữa thuế suất và số thu từ thuế của chính phủ.

Share on email
Email
Share on facebook
Facebook
Share on print
Print