Nâng cao chất lượng giảng dạy ngoại ngữ trực tuyến – đáp ứng yêu cầu của thời đại cách mạng cộng nghiệp 4.0

Ngày 26/12, tại trụ sở chính số 58, Lê Văn Hiến, Đức Thắng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Học viện Tài chính tổ chức Hội thảo khoa học “Nâng cao chất lượng giảng dạy ngoại ngữ trực tuyến tại Học viện Tài chính”. Hội thảo thu hút sự quan tâm đông đảo của nhiều giảng viên, nhà nghiên cứu trong và ngoài Học Viện. Có 60 bài viết đã được lựa chọn đăng trong kỷ yếu Hội thảo. 6 tham luận được trình bày trực tiếp tại Hội thảo và trên 20 ý kiến phản biện, đóng góp.

Đại biểu tại Hội thảo
 

Tham dự Hội thảo có các giảng viên giảng dạy Ngoại ngữ của các trường: Đại học Ngoại ngữ – Đại học quốc gia; Học viện Chính sách và phát triển; Đại học Tài nguyên và môi trường; Đại học Thủy Lợi; Đại học kinh doanh và công nghệ, Đại học Đại Nam, Đại học Tài chính – Ngân hàng.

Về phía Học viện Tài chính (HVTC), có sự tham dự của: PGS.,TS. Nguyễn Đào Tùng – Chủ tịch Hội đồng trườngNGƯT. PGS. TS. Trương Thị Thuỷ – Phó Bí thư Đảng ủy –  Phó Giám đốc Học viện ; NGƯT.PGS.TS Ngô Thanh Hoàng, trưởng ban Quản lý khoa học; GS.,TS. Chúc Anh Tú – Trưởng Ban Khảo thí và quản lý chất lượng; lãnh đạo Văn phòng; các khoa, bộ môn, toàn thể giảng viên khoa Ngoại ngữ; TS. Trịnh Thanh Huyền – Phó Viện trưởng (PT) Viện ĐTQT.

NGƯT. PGS. TS. Trương Thị Thuỷ – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc HVTC phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc hội thảo, NGƯT. PGS. TS. Trương Thị Thuỷ – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc HVTC nêu vai trò của giảng dạy ngoại ngữ cũng như yêu cầu cấp thiết của việc đổi mới giảng dạy ngoại ngữ nói riêng, giảng dạy nói chung trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, cùng với đó là sự tác động của dịch bệnh COVID-19. Đồng thời, NGƯT. PGS.,TS. Trương Thị Thuỷ cũng chỉ rõ sự chỉ đạo nhạy bén, nhanh chóng của Đảng ủy – Ban Giám đốc Học viện Tài chính trong việc đổi mới toàn diện về đào tạo trong đó chuyển đổi giảng dạy trực tiếp sang giảng dạy trực tuyến và chỉ rõ: Giảng dạy trực tuyến nói chung, giảng dạy ngoại ngữ trực tuyến nói riêng trong bối cảnh hiện nay đang giành được nhiều sự quan tâm. Bên cạnh đó, các vấn đề đặt ra đối với việc giảng dạy các môn khoa học bằng ngôn ngữ quốc tế cũng đã và đang thu hút sự quan tâm của các nhà giáo dục, các nhà khoa học trong và ngoài nước nhằm đáp ứng với xu thế phát triển các trường học thông minh trong tương lai. Đứng trước thực trạng và nhu cầu đòi hỏi việc giảng dạy trực tuyến cần được cải thiện và nâng cao chất lượng, Học viện Tài chính tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Nâng cao chất lượng giảng dạy ngoại ngữ trực tuyến tại Học viện Tài chính”.

Đồng chủ tọa Hội thảo phiên chủ đề Giảng dạy trực tuyến: TS. Trần Thị Thu Nhung – Trưởng bộ môn Ngoại ngữ (HVTC); ThS, Nguyễn Thị Thùy Hương – Phó Trưởng bộ môn Ngoại ngữ (HVTC) và Nguyễn Thị Thùy Trang – Phó Trưởng khoa Ngoại ngữ (HVTC)

Hội thảo diễn ra qua 02 phiên chủ đề chuyên sâu, “Giảng dạy trực tuyến” với các tham luận: “Phân biệt giảng dạy trực tuyến và trực tiếp” do ThS. Phan Thị Xuân – HVTC trình bày; “Techniques to enhance learners’ motivation in online lesson: heart to heart communication” (Tạo hứng thú cho người học trong phòng học trực tuyến: Giao tiếp từ trái tim đến trái tim) do ThS. Văn Thị Thanh Bình – ĐHNN-ĐHQGHN trình bày; Một số giải pháp để nâng cao chất lượng giảng dạy Hệ Đào tạo từ xa (ThS. Vương Thuý Hợp – HVTC);

Đồng chủ tọa Hội thảo phiên chủ đề “Giảng dạy trực tuyến bằng ngôn ngữ quốc tế tại HVTC”: GS.,TS. Chúc Anh Tú – Trưởng Ban Khảo thí và quản lý chất lượng; ThS. Trần Thị Thu Nga – Khoa Ngoại ngữ và TS. Trịnh Thanh Huyền – Phó Viện trưởng (PT) Viện Đào tạo Quốc tế (HVTC)

Chủ đề 2: “Giảng dạy trực tuyến bằng ngôn ngữ quốc tế tại HVTC” với các tham luận với các tham luận: “Tổng quan về tình hình giảng dạy các học phần bằng Tiếng Anh tại HVTC” do ThS. Đoàn Thị Thuỷ – HVTC trình bày; “Giải pháp cho các lớp học ngoại ngữ theo hình thức Blended learning” do TS. Trần Thị Thu Nhung – HVTC trình bày; “Giảng dạy các học phần chuyên ngành bằng Tiếng Anh cho sinh viên hệ Chất lượng cao tại Học viện Tài chính – Thực trạng và một số vấn đề đặt ra” do TS. Trần Thanh Thu – HVTC trình bày.

ThS. Vương Thuý Hợp – Khoa Lý luận chính trị trình bày tham luận

Trong tham luận trình bày, ThS. Vương Thuý Hợp cho biết với 4 đợt tuyển sinh trong năm 2022 – 2023 đã khẳng định sự chú trọng đối với hình thức học tập trực tuyến dành cho các đối tượng phù hợp của HVTC và chỉ rõ: “Để đảm bảo tương đương trình độ giữa các hình thức đào tạo đại học, Học viện xây dựng chuẩn đầu ra và chương trình đào tạo của đại học hệ từ xa dựa trên chuẩn đầu ra và chương trình đào tạo của đại học hệ chính quy. Đồng thời, các hoạt động, phương pháp giảng dạy từ lý thuyết đến thực hành, cũng như hình thức đánh giá kiểm tra sẽ được xây dựng và triển khai phù hợp nhất đối với hình thức đào tạo từ xa. Chính vì vậy, dù là học tập qua hình thức từ xa nhưng vẫn đảm bảo về khối lượng kiến thức được học và khả năng làm việc sau tốt nghiệp. Không chỉ vậy, ngoài kiến thức, kỹ năng chuyên môn, sinh viên học đại học hệ từ xa sẽ được thúc đẩy, rèn luyện các kỹ năng tự học, tự nghiên cứu, nâng cao khả năng học tập suốt đời cho bản thân. Đây là một kỹ năng rất cần thiết ngay cả khi đã tốt nghiệp và đi làm, giúp sinh viên không ngừng trao dồi thêm kiến thức để phát triển bản thân và nâng cao hiệu quả công việc.”

Các tham luận trình bày đều chỉ ra những vấn đề trọng tâm trong thực tiễn về dạy học trực tuyến nói chung, giảng dạy ngoại ngữ trực tuyến nói riêng, đưa ra những giải pháp khả thi, gắn với yêu cầu đối với người dạy và người học. Làm thế nào để nâng cao chất lượng dạy – học trực tuyến là nội dung cốt lõi nhất mà các tham luận đều hướng đến với những giải pháp cũng như đề xuất cụ thể về con người, thiết bị và công nghệ.

ThS. Văn Thị Thanh Bình – ĐHNN-ĐHQGHN trình bày tham luận

Với “Techniques to enhance learners’ motivation in online lesson: heart to heart communication” (Tạo hứng thú cho người học trong phòng học trực tuyến: Giao tiếp từ trái tim đến trái tim), ThS. Văn Thị Thanh Bình (ĐHNN-ĐHQGHN) khẳng định: Cần gỡ bỏ quan niệm quen thuộc rằng để giao tiếp được thì phải nhìn thấy nhau, phải mặt đối mặt là chúng ta đã gỡ bỏ một nửa khó khăn trong giao tiếp trong phòng học trực tuyến. Tìm tòi và khám phá những tính năng của màn hình điện tử, của bàn phím và con chuột máy tính để chuyển tải những thông điệp của cảm xúc, thái độ, suy nghĩ sẽ cho phép chúng ta tạo ra những tương tác nhanh chóng và hiệu quả với người học của thời 4.0. Khi người dạy giảm thiểu được bức xúc của bản han mình thì chúng ta đã tạo ra được một nửa cây cầu. Và Khi kết nối được với cảm xúc, suy nghĩ, thái độ của trò một cách nhanh chóng và dễ dàng thì chúng ta đã tạo ra được nốt nửa còn lại. Khi gặp khó han trong việc kết nối mặt đối mặt với trò, chúng ta có thể tìm cách kết nối với trái tim của trò bằng những nhịp đập của trái tim mình.

Phần thảo luận ở phiên 1 tập trung vào vấn đề tạo động lực cho người dạy và người học khi dạy trực tuyến. Có nhiều chia sẻ của các giảng viên đến từ Đại học Ngoại ngữ – Đại học quốc gia, Học viện chính sách phát triển và đại học Tài chính – Ngân hàng về việc tạo hứng thú cho người học. Theo giảng viên Đoàn Thị Thúy Quỳnh –  (ĐHNN – ĐHQG) đã chia sẻ về viết sáng tạo và tổ chức các hoạt động để giúp sinh viên nâng cao kỹ năng thuyết trình tiếng Anh.

Tại phiên chủ đề thứ 2, các tham luận đến từ HVTC đã tổng hợp thực tiễn và khẳng định giảng dạy trực tuyến tại đơn vị không phải là giải pháp tạm thời trước tình hình dịch bệnh COVID-19 mà là sự chuyển hướng nhanh chóng kịp thời trước yêu cầu của thực tiễn và chỉ đạo của Bộ Giáo dục & Đào tạo và cũng là đáp ứng với yêu cầu đổi mới về đào tạo mà cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang đặt ra. Trong đó, Blended learning – mô hình giáo dục có hướng tiếp cận hiện đại có thể kết hợp linh hoạt hai hình thức tương tác giữa học viên – giảng viên khi học trực tuyến và học trực tiếp tại không gian lớp học được Học viện Tài chính lựa chọn nhằm tổ chức tối ưu được hoạt động đào tạo.

ThS. Đoàn Thị Thuỷ – HVTC trình bày tham luận

Trong tham luận của mình, ThS. Đoàn Thị Thuỷ – HVTC đã chỉ ra chủ trương đúng đắn của Đảng ủy – Ban Giám đốc trong xác định nâng cao năng lực tiếng Anh của sinh viên, đáp ứng quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng với nhu cầu sử dụng Tiếng Anh trong các hoạt động giao thương, thương mại, trong các doanh nghiệp và trường học ngày càng tăng cao. HVTC có sứ mệnh cung cấp các sản phẩm đào tạo và NCKH tài chính – kế toán chất lượng cao cho xã hội nên cũng phải bắt kịp nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực nói chung, nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu về tài chính – kế toán nói riêng. Do đó, việc đào tạo Tiếng Anh và các chuyên ngành bằng Tiếng Anh trong HVTC giữ vai trò, vị trí rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo của Học Viện và chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội về Tài Chính – Kế Toán và có năng lực sử dụng Tiếng Anh tốt. Trong đề án tuyển sinh đại học những năm gần đây, HVTC đã chú trọng ưu tiên đối tượng có trình độ tiếng Anh như diện xét tuyển thẳng và xét tuyển kết hợp. Những thí sinh nào có các Chứng chỉ Tiếng Anh Quốc tế (ITELTS 5.5 trở lên, TOEFL iBT tối thiểu từ 55đ, FCE, ACT tối thiểu 22 điểm v.v.) được xếp vào diện ưu tiên số 2 và số 3 (bên cạnh các tiêu chí khác). Đối với ngành Ngôn Ngữ Anh, thí sinh chỉ được đăng ký tuyển sinh vào ngành này khi có một trong các chứng chỉ: SAT 1050/1600 trở lên, IELTS 5.5 hoặc TOEFL iBT tối thiểu 55 điểm. Đối với đào tạo, chương trình giảng dạy tiếng Anh cơ bản 1, 2 và Tiếng Anh chuyên ngành 1,2 tại HVTC được tổ chức đảm bảo cho sinh viên có thể sử dụng tiếng Anh thuần thục trong giao tiếp hàng ngày cũng như sử dụng tiếng Anh trong môi trường làm việc chuyên nghiệp. Các học phần chuyên ngành giảng dạy bằng Tiếng Anh đảm bảo cho sinh viên vừa có vốn kiến thức chuyên ngành cập nhật, đồng thời nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh chuyên sâu trong môi trường làm việc trong nước và hội nhập quốc tế. Với Chương trình đào tạo Chất lượng cao, thời lượng giảng dạy bằng tiếng Anh tăng cao.

Có nhiều ý kiến phản biện của đại biểu tham dự đặt ra cho các tác giả có bài tham luận trình bày xoay quanh vấn đề làm sao để nâng cao hiệu quả giảng dạy trực tuyến nói chung, giảng dạy trực tuyến ngoại ngữ nói riêng và công nghệ có phải là vấn đề cốt lõi cũng như làm thế nào để giảm thiểu những hạn chế của giảng dạy trực tuyến.

Theo ThS. Nguyễn Thị Vân Lý – Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ – Tin học chia sẻ: Sinh viên HVTC, nhất là sinh viên Chương trình đào tạo Chất lượng cao ngày càng chú trọng việc học tập ngoại ngữ bên cạnh các môn học chuyên ngành. Ngay từ năm thứ 3, rất nhiều sinh viên đã chủ động tích lũy các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như ITELTS, TOEFL. Với nhiều sinh viên Chương trình đào tạo Chất lượng cao, trong chương trình đào tạo đã định hướng đào tạo cho sinh viên chứng chỉ nghề quốc tế của ACCA và  CFA, vì vậy khi tốt nghiệp, sinh viên đã đạt trình độ tiếng Anh thấp nhất là bậc 4/6 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dung cho Việt Nam.

ThS. Nguyễn Thị Vân Lý – Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ – Tin học, HVTC phát biểu

TS. Trịnh Thanh Huyền – Phó Viện trưởng (PT) Viện Đào tạo Quốc tế đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc triển khai chương trình đào tạo tiếng Anh cho chương trình LKĐT mỗi bên cấp 01 Bằng Cử nhân DDP. Ngoài các đòi hỏi về kiến thức chuyên ngành, cả lý thuyết, thực hành và kỹ năng, sinh viên DDP bắt buộc phải có trình độ tiếng Anh 6.0 IELTS ngay trong quá trình học. Những sinh viên khi nhập học đã có chứng chỉ quốc tế về trình độ tiếng Anh sẽ được xét miễn học, miễn thi và được quy đổi điểm tương ứng để xác định số tín chỉ tích lũy cho học phần tiếng Anh của chương trình DDP. Đối với những sinh viên chưa có được chứng chỉ 6.0 IELTS, Viện Đào tạo Quốc tế (ĐTQT) phối hợp với OEUK Việt Nam (OEUK) thiết kế chương trình đào tạo nhằm đáp ứng các đòi hỏi về tiếng Anh của chương trình DDP cũng như nhu cầu sử dụng tiếng Anh trong học tập, nghiên cứu, thi cử và làm việc của sinh viên DDP. “TS. Trịnh Thanh Huyền – Phó Viện trưởng (PT) Viện ĐTQT phát biểu

Tổng kết Hội thảo, NGƯT. PGS. TS. Trương Thị Thuỷ – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện Tài chính đã đánh giá cao sự tâm huyết của các tác giả tham gia hội thảo và khoa Ngoại ngữ, Học viện Tài chính để có một Hội thảo có ý nghĩa thực tiễn này. Theo đó, Hội thảo đã lựa chọn chủ đề hết sức thiết thực, đáp ứng yêu cầu thực tiễn dạy học tại Học viện Tài chính cũng như yêu cầu về đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng 4.0. Ban tổ chức đã nhận được 60 bài viết gửi tới Hội thảo với sự tâm huyết của các giảng viên trong và ngoài Học viện và có giá trị thực tiễn cao. Hơn 20 ý kiến phản biện tại Hội thảo đã tạo nên góc nhìn đa chiều và toàn diện về nâng cao chất lượng giảng dạy trực tuyến nói chung và giảng dạy ngoại ngữ trực tuyến tại Học viện Tài chính nói riêng.

Hội thảo là một trong những diễn đàn khoa học hội tụ những nhà khoa học là những giảng viên đang giảng dạy trực tiếp tại Học viện và các cơ sở giáo dục đại học tại Hà Nội được Học viện Tài chính tổ chức nhằm tiếp thu những ý kiến đóng góp tâm huyết, sự hiến kế để đổi mới mạnh mẽ và nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường.

Một số hình ảnh khác

Share on email
Email
Share on facebook
Facebook
Share on print
Print